TRUYỀN THỐNG NHÀ TRƯỜNG
DẤU ẤN VỀ MỘT MÁI TRƯỜNG
Vào những ngày tháng 3 năm 1971, Miền Nam, dưới chế độ cũ, Xã Kỳ Hưng thể theo nhu cầu học tập của học sinh trung học và theo nguyện vọng của nhân dân và phụ huynh xã Kỳ Hưng . Chính quyền hành chính xã Kỳ Hưng cùng với các xã trên toàn miền Nam lúc bấy giờ lập dự án phát triển lớp 6 trung học niên khóa 1971-1972.Nhưng sau đó dự án xin phát triển lớp 6 của xã Kỳ Hưng không được Bộ Giáo dục lúc bấy giờ chấp thuận với lý do xã Kỳ Hưng nằm quá gần với tỉnh lỵ Tam kỳ, Quảng Tín. Sau một thời gian lận đận, gian nan để xin mở trường với sự hết sức nhiệt tình của Thầy Lê Xuân Sang, người rất tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục ở địa phương đã vào tận Sài Gòn và nhờ một người bạn làm ở Bộ hướng dẫn thủ tục và phương thức và cuối cùng vào tháng 11 năm 1971 2 lớp 6 của xã Kỳ Hưng cũng được chấp thuận và trường trung học tỉnh hạt Kỳ Hưng ra đời từ đó. Trong những ngày đầu thành lập cơ ngơi của trường chỉ có 2 phòng cũ của cơ quan hành chính xã đã xây dựng ở vị trí mới và để lại cho trường nằm ở thôn Phú Hưng ( phía sau lưng nhà Thầy Trần Văn Cận và thầy Nguyễn Đình Đích bây giờ). Trong thời gian này Thầy Nguyễn Hữu Đức hiện đang là Hiệu trưởng trường tiểu học Cộng đồng Kỳ Hưng được giao nhiệm vụ tạm thời kiêm nhiệm chức vụ Quản đốc trường trung học Tỉnh hạt Kỳ Hưng và các thầy cô giáo tham gia giảng dạy : Thầy Nguyễn Hữu Đức dạy Anh văn và Việt văn và cô Phạm Thị Ân người Quảng Ngãi dạy các môn còn lại về sau có thầy Nguyễn Đình Khôi người đại phương tham gia dạy toán Thực hiện nhiệm vụ được 1 năm lúc bấy giờ Thầy Nguyễn Hữu Đức đã làm đơn xin từ nhiệm chức vụ Quản đốc để đến giữ chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học cộng đồng An Thổ, Tam Kỳ. Hội đồng nhân dân xã , Ủy ban hành chính xã Kỳ Hưng và Phân hội phụ huynh học sinh trường trung học Tỉnh hạt Kỳ Hưng có văn bản gởi trưởng Khu Học chánh Khu I tại Đà Nẵng xin đề cử chức vụ Quản đốc trường trung học tỉnh hạt Kỳ Hưng và Thầy Huỳnh Hoan được đề cử làm Quản đốc nhà trường kể từ năm học 1972-1973. Trong thời gian này nhà trường cũng được đầu tư kinh phí để chuyển trường về vị trí bây giờ có diên tích hơn 12.000 m 2, tiến hành xây mới 6 phòng học và 1 văn phòng. Lúc này trường có 4 lớp gồm 2 lớp 6 và 2 lớp 7 số học sinh gần 200 em. Bước vào năm học 1973-1974 do nhu cầu học sinh lớp 5 lên lớp 6 quá đông, nhà trường ngoài kế hoạch thi tuyển lớp 6 hằng năm mở 2 lớp 6 đầu cấp còn được Giám đốc Nha trung học lúc bấy giờ cho mở thêm 2 lớp 6 khuyếch trương, tổng số lớp năm học nầy là 8 lớp gồm 4 lớp 6, 2 lớp 7, 2 lớp 8. Đến năm học 1974-1975 trường đã có 12 lớp gần 600 học sinh. Thầy Huỳnh Hoan làm Quản đốc và hơn 20 thầy cô giáo và nhân viên, tiêu biểu như thầy Lê Ngươn Chi dạy toán, thầy Nguyễn Đăng An dạy Anh văn, Thầy Võ Như Sâm dạy Việt văn, Thầy Đỗ Thế Trực làm thư ký văn phòng, Thầy Lê Xuân Sang làm Phân hội trưởng phụ huynh học sinh.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 , Đất nước được hoàn toàn giải phóng, nền Giáo dục nước nhà được thống nhất, Trường Trung học tỉnh hạt Kỳ Hưng chuyển sang giai đoạn phát triển mới và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảng day năm học 1974-1975. Năm học 1975-1976, hòa chung với không khí tưng bừng của nước nhà vừa thống nhất, nhà trường tiến hành những nhiệm vụ giáo dục mới của thời kỳ hòa bình, thực hiện đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc bấy giờ trường có tên là trường cấp 2 Kỳ Hưng và sau đó một thời gian ngắn, xã Kỳ Hưng được đổi tên là xã Tam Xuân và tên trường cũng được đổi theo là trường cấp 2 Tam Xuân . lúc này trường có khoảng hơn 14 lớp và gần 700 học sinh do thầy Hồ Văn Thảng làm Trưởng ban và thầy Phạm Xuân Lộc làm Phó ban điều hành. Được một năm, bấy giờ theo chủ trương của ngành nhập cấp 1 và cấp 2 lại và tách giáo dục xã Tam Xuân ra làm 3 trường cấp 1,2 và trường được lấy tên là trường cấp 1,2 Tam Xuân 1
Năm học 1976-1977 quy mô trường lớp được mở rộng, số lượng học sinh lên trên 1000 em số lớp trên 25 lớp , Thầy Trần Văn Nghĩ được cử về làm Hiệu trưởng, thầy Thái Quang Ân làm phó Hiệu trưởng cấp 2, thầy Trương Song Dực làm Phó Hiệu trưởng cấp 1.
Trong những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp và do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh để lại, nhưng sự nghiệp giáo dục của nhà trường vẫn không ngừng phát triển, tình hình cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển trường lớp ngày càng tăng. Từ năm học 1978-1979 đến năm 1984-1985 số lượng lớp và học sinh bình quân hằng năm là trên 1200 em và 30 lớp ( cấp 1 trên 20 lớp, cấp 2 trên 10 lớp). Trong thời gian này trường có tên là trường Phổ thông cơ sở Tam Xuân 1 , thầy Lê Hữu Lục làm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng cấp 2 là: Thầy Trương công Bình, Thầy Lê Minh Kha, Thầy Trương Quang Minh; Cấp 1 là: Cô Lê Thị Lan, Doãn Bá Thìn.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Công sản Việt nam khởi xướng nhất là sau Đại Hội toàn quốc lần thứ VI, tình hình giáo dục cả nước nói chung và giáo dục xã Tam Xuân nói riêng đã có những thay đổi về chất. Năm học 1985-1986 trường phổ thông cơ sở Tam Xuân 1 lúc bấy giờ có 1391 học sinh , 32 lớp tổng số cán bộ, giáo viên nhân viên là 57 người, thầy Đoàn Văn Bá Làm Hiệu trưởng, thầy Trần Khâm Hiến, Nguyễn Văn Duyên, Nguyễn Tấn Huỳnh làm phó Hiệu trưởng. Ba năm sau đó Thầy Đoàn Văn Bá được cấp trên điều về công tác tại Phòng Giáo dục Núi thành và thầy Nguyễn Tấn Hùng được cử về thay thế.
Năm học 1989-1990, thực hiện chủ trương của ngành tách cấp 1, cấp 2 ra khỏi trường phổ thông cơ sở và nhập các trường cấp 1 và cấp 2 lại để thành lập các trường cấp 1, cấp 2 riêng, lúc bấy giờ cấp 2 của trường phổ thông cơ sở Tam Xuân 1 và trường phổ thông cơ sở Tam Xuân 3 nhập lại thành trường phổ thông cấp 2 Tam Xuân 1. Thầy Lê Văn Quân được cử về làm Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng là Nguyễn Tấn Hùng và Trần Ngọc Tống. Sau đó 2 năm, chuẩn bị vào năm học 1992-1993 2 trường PT cấp 2 Tam Xuân 1 và trường PT cấp 2 Tam Xuân 2 nhập lại thành trường PT cấp 2 Tam Xuân theo Quyết định số 34/TCCB ngày 18/7/1992 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và sau đó một thời gian ngắn đổi tên thành trường trung học cơ sở Tam Xuân, lúc này trường có 35 lớp, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên trên 70 người do thầy Lê Văn Quân làm Hiệu trưởng và các phó Hiệu trưởng là Nguyễn Tấn Hùng, Nguyễn Quốc Văn, Nguyễn Thế Mai.
Từ năm học 1992-1993 đến năm học 1997-1998 quy mô trường lớp của trường được phát triển một cách ổn định, số lớp luôn ở từ 36 đến 38 lớp năm cao điểm lên 40 lớp, là trường THCS có quy mô lớn nhất huyện Núi Thành. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trường lớp với quy ngày càng tăng, Năm 1997 nhà trường được được UBND tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng dãy nhà lớp học 2 tầng gồm 16 phòng và nâng cấp các phòng chức năng , các công trình phụ, tường rào cổng ngỏ, là đơn vị đầu tiên của huyện Núi Thành được xây dựng tầng hóa và cũng là đơn vị có cơ sở vật chất khang trang và bề thế nhất huyện Núi Thành lúc bấy giờ. Đến năm 1998 Xã Tam Xuân được tách ra thành 2 đơn vị hành chính xã, trường trung học cơ sở Tam Xuân cũng được tách ra để đáp ứng với yêu cầu của 2 xã là trường THCS Tam Xuân 1 và trường THCS Tam Xuân 2 theo Quyết định 69/1998/QĐ-GDĐT của sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam. Số lượng học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên cũng được chia ra cho 2 trường. Sau khi chia trường số lớp của trường còn lại 25 lớp và hơn 1000 học sinh do thầy Lê Văn Quân làm Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Quốc Văn và thầy Nguyễn Tấn Hùng làm phó Hiệu trưởng.
Đến năm học 2002-2003, thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ quản lý ngành giáo dục theo Điều lệ trường trường trung học mới đã được ban hành, Các thầy trong Ban giám hiệu của trường đều được luân chuyển. Thầy Huỳnh Ngọc Dũng được chuyển về làm Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Thế Mai, cô Trần Thị Kiều Thái làm Phó Hiệu trưởng. Lúc bấy giờ trường có 24 lớp, 1056 học sinh , cán bộ giáo viên, nhân viên là 53 người. Đến ngày 14 tháng 9 năm 2007 theo Quyết định số 3139/QĐ-UBND của UBND huyện Núi Thành, nhà trường vinh dự được mang tên người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt .Từ năm học 2003 - 2004 đến nay sự phát triển lớp , học sinh luôn ổn đinh với số lớp từ 25 đến 28 lớp, học sinh từ 1000 - 1200 em, có trên 60 Cán bộ giáo viên nhân viên. Đây cũng là thời gian nhà trường đạt được nhiều thành quả nhất từ trước đến nay.
Vào đầu năm học 2010-2011, thầy Nguyễn Thế Mai về nghỉ hưu, cô Trần Thị kiều Thái chuyển công tác đi trường khác, thầy Nguyễn Văn Nam được chuyển về làm phó Hiệu trưởng của trường. Gần đây nhất, vào đầu năm học 2011-2012 thầy Nguyễn Tất Thịnh được đề bạt làm phó Hiệu trưởng. Nhà trường hiện tại có 970 học sinh, 24 lớp và 57 cán bộ giáo viên nhân viên.
Bốn mươi năm qua với bao thăng trầm, đổi thay và đã khẳng định được trường THCS Lý Thường Kiệt thực sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt.
Chi bộ nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hiện tại chi bộ có 17 đảng viên tất cả đều là những cán bộ công chức gương mẫu, có đạo đức và năng lực công tác tốt và giữ những vị trí chủ chốt của nhà trường. Từ ngày thành lập, chi bộ luôn đạt danh hiêu trong sạch vững mạnh, đặc biệt trong 8 năm từ năm 2002 đến nay chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu được Đảng ủy khen thưởng. Qua các lần đánh giá chất lượng đảng viên hầu hết ( 90%) đảng viên trong chi bộ đều đạt đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ .
Hiệu quả đạt được lớn nhất của nhà trường chính là chất lượng giáo dục, bình quân hằng năm trường có trên 95% học sinh có hạnh kiểm khá tốt, nhà trường chưa có trường hợp học sinh vi phạm pháp luật, trên 50% học sinh có học lực khá giỏi, tỉ lệ lên lớp hằng năm luôn ở mức 99% ( sau khi thi lên lớp) chất lương đạt đại trà luôn ở trong tốp 3 của huyện. Tỉ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt 98% trở lên. Phong trào học sinh giỏi hằng năm nhà trường luôn giữ vị trí nhất nhì của huyện , bình quân hằng năm trường có từ 35 đến 50 giải cấp huyện, 1/3 trong số đó là giải nhất nhì, Đặc biệc hằng năm nhà trường đều có từ 3 đến 7 giải cấp tỉnh, Trong 10 năm kể từ năm học 2001-2002 đến nay trường đã đtạt 42 giải cấp tỉnh, trong đó có 3 giải nhất, 9 giải nhì, 12 giải ba. Tiêu biểu như em Đoàn Việt Tiệp đạt giải nhất Casio 8 năm 2002-2003, giải nhất caso 9, giải ba toán 9 năm 2003-2004, em Nguyễn Thị Xuân Hoa đạt giải nhất môn ngữ văn 9 năm 2005-2006 em Dương Quỳnh Trâm giải nhì vật lý 9 năm 2006-2007; em Lê Thị Minh Thư giải nhì môn Anh 9 năm 2007-2008 ; Em Bùi Thị Như Ý giải nhì Lý 9 năm 2008-2009, em châu ngọc Quế giải nhì Lý 9 năm 2009-2010; Em Doãn Phan Thanh 2 giải nhì vè tin học 9 và tin học không chuyên, em Lê Bảo Trang, Dương Thị Lên giải nhì hóa 9, em Nguyễn Anh Hải giải nhì TNTH lý 8 năm 2010-2011 …Từ ngày thành lập đến nay trường đã có hàng vạn học sinh tốt nghiệp THCS ra trường, trong số đó đã có bình quân hơn 75% vào học THPT. Hằng năm có hàng trăm học sinh của trường vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong đó có nhiều em vào các trường đại học có tiến trong cả nước. Theo thống kê chưa đầy hiện nay trường có hàng trăm học sinh qua nhiều năm đã tốt nghiệp các trường Đại học ra trường có trình độ Kỹ sư, Bác sĩ, cử nhân hiện đang công tác trong và ngoài nước. Trong số đó có hàng chục em có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ tiêu biểu như em Đỗ Tiến Toàn là tiến sĩ hiện đang công tác tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, em Đỗ Quang Bình là tiến sĩ tại viên vật lý hạt nhân Đà Lạt, em Lê Hữu Quan Là Thạc sĩ Vịên cây trồng Trung ương 2 Thành phố HCM.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường luôn được coi trọng và đạt được kết quả đáng kể qua nhiều năm. Từ khi có chủ trương xây dựng trường học có đời văn hóa, nhà trường liên tục đạt được trường học có đời sống văn hóa tốt, trong đó có nhiều năm đạt trường học văn hóa tiêu biểu được UBND huyện khen thưởng. Phong trào văn nghệ trong nhà trường luôn được quan tâm, hằng năm vào dịp 26/3 chào mừng ngày giải phóng quê hương và thành lập Đoàn TNCSHCM theo quy trình nhà trường tổ chức Hội trại, Hội diễn văn nghệ phục vụ quần chúng và được nhân dân phụ huynh ủng hộ hàng chục triệu đồng. Hoạt động thể dục thể thao trong giáo viên và học sinh thường xuyên được đẩy mạnh, Hằng năm tổ chức tốt Hội khỏe Phù Đổng cấp trường và tham gia thi đấu thể duc, thể thao cấp huyện , trung bình hằng năm nhà trường dạt gần 10 giải cấp huyện trong đó có nhiều giải cao về toàn đoàn, đồng đội, và năm nào trường củng đạt dược huy chương cấp tỉnh.
Về cơ sở vật chất, còn nhớ khi mới thành lập, trường phải mượn 2 phòng của chính quyền xã để dạy tạm , cơ ngơi của trường lúc bấy giờ là con số 0. 40 năm qua, trải qua 2 chế độ, nhiều thế hệ thầy và trò, trường cũng nhiều lần tách nhập và đổi tên với sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi nhà trường không ngừng được được xây dựng nhiều lần để đáp nhu cầu dạy học của thầy và trò. Đặc biệt là trong 15 năm trở lại đây, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, bằng nhiều nguồn kinh phí, nhà trường được xây dựng, tu sửa nâng cấp các công trình phục vụ dạy và học và hình thành cảnh quan sư phạm. Năm 1997 trường là dơn vị đầu tiên của huyện Núi thành được tầng hóa với 16 phòng học. Năm học 2004-2005, là trường THCS đầu tiên của huyện Núi Thành đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010. Thư viện nhà trường là 1 trong số đơn vị đầu tiên của huyện đạt chuẩn theo QĐ 01 của Bộ GD&ĐT và hiện nay đã đạt thư viện tiên tiến. Cơ sở vật chất nhà trường ngày càng được xây dựng bổ sung khang trang, sạch đẹp, đảm bảo khá tốt các yêu cầu dạy học và rèn luyện thân thể cho học sinh. Khuôn viên của nhà trường có diện tích 11.717m2 bình quân 11,7m2/ học sinh. Trường có tường rào, cổng, biển trường, sân chơi bằng bê tông, bồn hoa, thảm cỏ, cây bóng mát đảm bảo môi trường xanh ,sạch, đẹp. Trường hiện có 34 phòng dùng làm phòng học, phòng thư viện, thiết bị, thực hành bộ môn, văn phòng, phòng Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng, phòng công đoàn, đoàn đội, truyền thống, phòng thường trực, Phòng tin học có 18 máy vi tính dùng để dạy tin cho học sinh, Trong các phòng làm việc đều có máy vi tính kết nối mạng internet để giáo viên truy cập thông tin phục vụ nhu cầu giảng dạy.Có khu vực nhà vệ sinh riêng cho giáo viên, riêng cho học sinh riêng cho nam , riêng cho nữ. Hệ thống phòng học, và làm việc đều được trang bị bàn ghế đúng quy cách, rèm che, ánh sáng, quạt mát, bảng chống lóa. Có hội trường với sức chứa 150 người. Có nhà để xe riêng cho giáo viên, riêng cho học sinh từng khối lớp. Hệ thống nước lọc bằng tia cực tím được xây dựng từ năm 2005 đảm bảo chất lượng phục vụ nước uống cho giáo viên và học sinh.
Bốn mươi năm qua, so với chiều dài của lịch sử thì không phải là dài nhưng so với quá trình phát triển của một ngôi trường thì cũng phải là quá ngắn, những gì mà thầy và trò đã nỗ lực phấn đấu qua nhiều thế hệ đã khẳng định được sự trưởng thành của một mái trường. Nhà trường xứng đáng là đơn vị được ngành giáo dục huyện nhiều năm chọn làm đơn vị chỉ đạo điểm. Từ ngày được thành lập và nhất là từ sau ngày giải phóng đến nay trường có trên 30 năm đạt trường tiên tiến, có năm là ngọn cờ đầu của ngành học phổ thông tỉnh . Đặc biệt từ năm 2003-2004 đến nay, 8 năm liên tục đạt tập thể lao động xuất sắc 1 năm được UBND tỉnh tặng bằng khen ( 2005-2006); 3 năm được Bộ Giáo dục tăng bằng khen (2003-2004, 2004-2005, 2007-2008); 1 năm được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ( 2006-2007), Công đoàn trường 8 năm liên tục đạt vững mạnh xuất sắc được Liên đoàn lao động tỉnh và liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen. Liên Đội TNTP nhà trường liên tục đạt xuất sắc và được tặng bằng khen của Trung ương đoàn về phong trào đọc và làm theo báo đội và xây dựng Đội vững mạnh ( 2005-2006). Đặc biệt vào năm 2004-2005 trường là đơn vị THCS đầu tiên của huyện Núi Thành đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001-2010. Hiện nay nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện để được kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc giai đoạn 2. Đặc biệt nhà trường tiếp tục phấn đấu xây dựng tập thể lao động xuất sắc, trường tiên tiến xuất sắc đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba trong thời gian đến.
_______________________